Bóng đá đức Với Tây Ban Nha

Video bóng đá đức với tây ban nha

Thực tế đã chứng minh bóng đá cấp CLB thường có chất lượng chuyên môn cao hơn so với cấp đội tuyển, bởi sự không bó buộc về quốc tịch cầu thủ, ảnh hưởng của tiềm lực tài chính đối với công tác chuyển nhượng, hay mức độ ăn tập ở phạm vi thời gian… Vì thế, khi nói cuộc đấu giữa Tây Ban Nha và Đức đạt trình độ cấp CLB, đó không chỉ là lời khen ở chất lượng chuyên môn, mà còn là sự nhấn mạnh đến những đặc trưng của hai đội tuyển này xuất phát từ dấu ấn cấp CLB.

Trước tiên, dễ dàng nhận ra dấu ấn cấp CLB như thế nào lên hai đội tuyển này, thông qua đội hình xuất phát. Một Tây Ban Nha với nòng cốt là các cầu thủ Barca trải đều ở cả ba tuyến, nhất là hàng tiền vệ: có tổng cộng năm gương mặt đang khoác áo đội bóng xứ Catalonia (Alba, Gavi, Busquets, Pedri và Ferran Torres). Một Đức cũng với bộ khung đậm chất Bayern Munich: có tổng cộng sáu gương mặt đang khoác áo đội bóng xứ Bavaria (Neuer, Kimmich, Goretzka, Gnabry, Muller và Musiala). Thậm chí, Dani Olmo từng trưởng thành từ lò La Masia, còn Niklas Sule mới mùa trước còn khoác áo Bayern. Đặc biệt, trên băng ghế huấn luyện, đấy đều là những HLV từng dẫn dắt cả hai CLB.

Bên cạnh tầm vóc của hai CLB ở từng giải quốc nội mà họ thi đấu, chính tư tưởng bóng đá và bước đường sự nghiệp cầm quân của hai HLV, dẫn tới những sự lựa chọn nhân sự của họ ở cấp đội tuyển, và nhân sự thì cũng quyết định luôn chiến thuật.

Sự tương đồng và va chạm trường phái. Một bộ phận người Đức không thích thừa nhận nền bóng đá của họ cũng chịu những ảnh hưởng nhất định, hay có sợi dây liên hệ với nền bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng thế giới bóng đá cũng đã “phẳng” đi trông thấy và sự lan tỏa, trà trộn của các trường phái với nhau là thứ không thể phủ nhận.

Thông qua gạch nối Pep Guardiola, Bayern nói riêng và bóng đá Đức nói chung ít nhiều có những nét tương đồng. Ngay cả khi chưa xét đến yếu tố đó, những đội bóng mạnh bản thân họ cần phải chơi thứ bóng đá tấn công và ưa thích kiểm soát.

Đầu tháng 4/2022, trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Pais của Tây Ban Nha trước thềm trận đấu gặp Villarreal ở tứ kết Champions League, HLV Julian Nagelsmann của Bayern nhấn mạnh đến hai nguyên tắc trong triết lý bóng đá của ông, đó là kiểm soát trận đấu thông qua kiểm soát bóng và thay đổi tốc độ. “Bạn cần phải có khả năng kiểm soát tốt quả bóng để đặt đối thủ vào những vị trí nhất định giúp mở ra những khoảng trống. Nhưng đồng thời, bạn cần phải nhận ra được những thời điểm cần đến sự thay đổi tốc độ để đẩy nhanh hành động”, nhà cầm quân trẻ tuổi của Bayern nói.

Khó có thể nói Nagelsmann là đại diện tiêu biểu cho trường phái bóng đá Đức hay cho đội tuyển quốc gia Đức hiện thời, nhưng sự kế thừa và tiếp thu ắt phải tồn tại. Chưa kể, tập thể tuyển Đức lúc này có bộ khung đến từ Bayern mà Nagelsmann đang dẫn dắt.

Cứ cho rằng người Đức không thích nhìn nhận như vậy, đối thủ của họ hôm qua, HLV Luis Enrique nghĩ khác. “Đức là đội tuyển quốc gia có sự tương đồng với chúng tôi nhất ở việc họ luôn muốn thống trị cuộc chơi, kiểm soát nó; họ luôn gây áp lực tầm cao và muốn sở hữu bóng”, HLV trưởng của Tây Ban Nha nói trước trận.

Tuy nhiên, hòa nhập nhưng không hòa tan. Chính câu nói của Nagelsmann đã khắc họa điều đó: một thứ bóng đá có kiểm soát bóng, nhưng còn phải biết thay đổi nhịp chơi, thay đổi tốc độ. Chính cường độ và tốc độ làm nên sự rạch ròi của hai trường phái bóng đá Tây Ban Nha và Đức.

Vẫn Nagelsmann nói tiếp trong cuộc phỏng vấn với El Pais: “Người Tây Ban Nha ưu tiên kéo dài một tình huống tổ chức tấn công, thay vì chỉ cần 30 giây, họ làm nó trong một phút, hai phút hoặc ba phút. Đó là một cách tiếp cận hay, vì bằng cách này, họ sẽ luôn trong trạng thái kiểm soát thế trận, họ không phải mạo hiểm quá nhiều ở khâu chuyền bóng và có thể giảm thiểu các khoảng trống ở các tuyến bên dưới vị trí bóng”.

“Nhưng tôi cũng cảm thấy cách chơi này không thể khai thác tối đa mức độ quyết liệt trong khâu gây áp lực. Thế trận duy trì quyền kiểm soát bóng của bạn không nên trở thành yếu tố ru ngủ chính bạn. Cách tiếp cận này có những lợi thế, nhưng bóng đá là giải trí và nên là một thứ gì đó ‘vồ’ lấy bạn”.

“Tôi thích một thứ bóng đá với tốc độ được đẩy cao, có tiết tấu và nhịp điệu mạnh, giúp bạn khai thác khâu kiểm soát bóng quyết liệt nhất có thể. Một khi để mất bóng, bạn cũng đã ở sẵn các vị trí để gây áp lực thu hồi bóng quyết liệt nhất có thể. Nếu bạn chơi bóng với tiết tấu quá chậm, một mặt, bạn có thể bảo vệ cho chính mình, nhưng mặt khác, áp lực bạn tạo ra lên đối thủ sau khi mất bóng cũng sẽ rất chậm, rất nặng nề.”

Về cơ bản, người Tây Ban Nha luôn đặt nặng chuyện kiểm soát tình hình, giảm thiểu nguy cơ tối đa; họ vẫn là ông trùm về kiểm soát bóng. Còn ngược lại, người Đức nếu nhìn thấy khoảng trống, liền vồ lấy ngay, không ngại mạo hiểm; họ vẫn là ông kẹ ở khả năng đoạt lại bóng rồi chuyển đổi trạng thái.

Màn trình diễn đẳng cấp. Tại cầu trường Al Bayt, Tây Ban Nha và Đức đã phô diễn đúng với những gì thuộc về thế mạnh của họ. Chỉ cần thông qua vài thông số cơ bản là nhận thấy rõ: Tây Ban Nha kiểm soát bóng cả trận 64,2% (so với 35,8% của Đức), Đức tắc bóng thành công 29 lần (so với 18 của Tây Ban Nha). Nhưng bản thân các con số chưa thể phản ánh đúng chính xác những gì đã diễn ra trên sân.

Và đây là câu chuyện trên sân. Tây Ban Nha cho thấy trình độ ở khả năng kiểm soát bóng và sắp đặt vị trí. Đức cho thấy trình độ ở khả năng tổ chức gây áp lực và kèm người.

Tây Ban Nha vẫn trung thành với hệ thống 4-3-3 và đội hình xuất phát chỉ có đúng một sự thay đổi so với trận thắng 7-0 trước Costa Rica: Dani Carvajal thay thế Azpilicueta. Sau trận thua Nhật Bản, Đức đã quyết định trở về với 4-2-3-1 thuần túy, cùng một vài sự thay đổi nhân sự: Sule được trả về trung tâm hàng thủ, Schlotterbeck được thay bằng Thilo Kehrer, Muller thế chỗ Kai Havertz đá cao nhất trên hàng công, và Goretzka mang đến chất thép cho tuyến giữa.

Dấu ấn của hệ thống 4-2-3-1 thuần túy của Đức là trong việc tổ chức khối phòng ngự tầm cao – trung. Với khối pressing chặt chẽ và cự ly gần nhau của các cầu thủ, Muller là người gây áp lực lên vị trí trung vệ, buộc Tây Ban Nha đẩy bóng ra hai biên. Gundogan bắt người một-một với Busquets, Kimmich thường là người theo kèm Pedri, Goretzka thì với Gavi. Musiala cùng Gnabry không dãn ra quá gần biên để gây áp lực trực tiếp và tức thì lên hai hậu vệ cánh của Tây Ban Nha, ý đồ là chặn các hướng chuyền bóng vào hành lang trong mỗi cánh dành cho Pedri hoặc Gavi.

Tây Ban Nha tổ chức lên bóng tuần tự từ tuyến dưới qua vị trí thủ môn, hướng phát triển bóng chủ đạo là qua cánh trái, nơi có một Pedri với cảm quan không gian nhạy bén cùng kỹ thuật đẳng cấp. Điều đó giúp Tây Ban Nha vẫn thường xuyên lên bóng thành công bằng những đường chuyền xuyên tuyến ở hành lang trong cánh trái. Đồng thời, kết hợp cùng việc những Dani Olmo hay Asensio di chuyển không bóng, hoán đổi vị trí linh hoạt cho nhau, hoặc dạt sang biên và giật lùi về, Tây Ban Nha cũng có thể tạo ra thế đông quân số ở cánh này.

Trong bất kỳ tình huống phối hợp bóng nào vượt qua vạch giữa sân của Tây Ban Nha, Đức luôn chủ động áp sát thật nhanh. Các trung vệ của Đức đặc biệt quyết liệt với các pha dâng lên, dập các tiền đạo của Tây Ban Nha một khi những cầu thủ này giật lùi về nhận bóng.

Tình huống dứt điểm nguy hiểm đầu tiên của trận đấu thuộc về Dani Olmo ở phút thứ 7 là một minh chứng đậm nét cho phong cách kiểm soát bóng và sắp đặt vị trí của Tây Ban Nha. Pha bóng này đến từ chuỗi 35 đường phối hợp không ngắt quãng (đồng kỷ lục của kỳ World Cup 2022, bên cạnh pha dứt điểm thành bàn của Jack Grealish cho tuyển Anh trước Iran).

Ở pha triển khai đó, khu vực cánh trái của Tây Ban Nha tập trung đông quân số, với Asensio giật lùi về chếch sang trái. Alba nhận bóng từ Busquets – sau khi tiền vệ này và trung vệ Laporte có sự hoán đổi vị trí cho nhau – trước khi được tiếp nối bằng những đường ban bật bóng ngắn của Pedri, Gavi rồi Asensio ở trung lộ. Cuối cùng, điểm nhận bóng ở rìa vòng cấm là Dani Olmo, tung ra cú dứt điểm bật tay chạm xà khung thành Manuel Neuer.

Trong hơn 10 phút cuối hiệp 1, Tây Ban Nha đã hai lần đưa quả bóng trực diện ra sau lưng hàng thủ của Đức, xuất phát từ chính việc trung vệ của Đức (cụ thể là Niklas Sule) đẩy lên dập tiền đạo lùi về nhận bóng của Tây Ban Nha (tức Marco Asensio). Ở cả hai pha bóng ấy, luôn là Dani Olmo dạt từ biên trái vào trong, đúng chỗ Asensio để lại, trước khi đâm ra phía sau hàng thủ của Đức.

So tài ở cả phương án thay người. Nhìn chung, hiệp 1 đánh dấu sự nhỉnh hơn về thế trận kiểm soát và tạo ra các cơ hội ăn bàn của Tây Ban Nha. Về phần tuyển Đức, họ tìm cách đánh vào điểm yếu trong khâu phòng ngự bóng chết của đối thủ, với 2 lần có được những tình huống nguy hiểm.

Những đường nét tấn công trực diện, hay chính xác là đưa quả bóng ra sau lưng hàng thủ tuyển Đức trở thành tiền đề cho sự thay đổi người đầu tiên trong hiệp 2 của Luis Enrique, mang tên Alvaro Morata.

Trong một buổi livestream ngay trước thềm giải đấu, HLV người Tây Ban Nha đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi không chơi với số 9 ảo. Chúng tôi dùng số 9 thuần. Chúng tôi dùng Morata trong vai trò một số 9 thuần, đó cũng có thể là Marco Asensio, hoặc như cách Dani Olmo từng chơi trước Italia ở Euro. Tất cả họ đều chiếm lĩnh cùng một khu vực, chỉ là phong cách và lối chơi của từng cầu thủ không giống nhau.”

“Asensio là mẫu cầu thủ tiến đến gần người chuyền để nhận bóng, mang đến sự liền mạch, kết nối liên tục và có thể xoay trở, ngoặt rồi dẫn quả bóng sang hai bên. Alvaro Morata cũng mang lại sự kết nối và áp đảo quân số trong các pha phối hợp kiểu như vậy, nhưng cậu ấy có thiên hướng giữ vị trí và tìm cách tấn công theo chiều sâu, đâm ra sau lưng các hậu vệ để nhận bóng hơn, từ đó mà chúng tôi thêm những miếng đánh khác.”

Và rõ ràng khi quyết định đưa Morata vào sân, Luis Enrique mong muốn cậu học trò của ông sẽ thực hiện thường xuyên hơn các pha di chuyển, tấn công theo chiều dọc, lẻn ra sau lưng hàng thủ đối phương để dứt điểm. Nếu như trong cả trận đấu, người đá số 9 là Asensio không có một tình huống nào chạm bóng trong vùng cấm của Đức, thì Morata từ khi vào sân ở phút 54 có ba lần. Một trong các lần chạm bóng đó của Morata chính là tình huống di chuyển đâm ra sau lưng hàng thủ Đức để ghi bàn từ quả căng ngang của Jordi Alba.

Song, không phải mọi phương án thay người của Enrique đều phát huy hiệu quả như ông mong muốn, điển hình như quyết định tung Nico Williams vào sân. Dễ hiểu cho ý định tiếp tục khai thác những khoảng trống sau lưng hàng thủ tuyển Đức, nhất là trong bối cảnh đối thủ cần phải dâng lên tìm kiếm bàn gỡ. Nhưng bấy giờ, Tây Ban Nha lại trở nên quá trực diện, tấn công gấp hơn ở trục dọc và thiếu đi sự liền mạch ở khả năng kiểm soát mà vốn dĩ Asensio sẽ mang lại tốt hơn. Ngoài ra, Nico Williams lại thi đấu thất vọng với những pha xử lý lập bập và lóng ngóng.

Enrique đã đúng với phương án thay người Morata, thì Hansi Flick cũng có sự đáp trả kịp thời.

Không thể phủ nhận rằng Thomas Muller vẫn là một cầu thủ cực kỳ thông minh, thính nhạy ở cảm quan không gian và chọn vị trí. Chỉ có điều, anh đã 33 tuổi và thời gian thì không loại trừ bất kỳ ai. Cầu thủ của Bayern Munich dần trở nên chậm chạp hơn trong mỗi động tác di chuyển hoặc rướn người.

Phía sau Muller, Ilkay Gundogan có phần lạc lõng trong một thế trận thiên nhiều về chuyển đổi trạng thái, với tốc độ và cường độ mà tuyển Đức triển khai trong hiệp 1, trước khả năng kiểm soát của Tây Ban Nha. Đó là lúc mà cả Niclas Fullkrug cùng Leroy Sane được Flick tung vào sân để tạo ra dấu ấn.

Fullkrug, năm nay đã 29 tuổi, có thể xem là một đóa hoa nở muộn, nhưng phù hợp để chơi trong vai trò của một số 9 thuần: tấn công vùng cấm, dứt điểm ngay khi có thời cơ. Chân sút đã ghi 10 bàn ở Bundesliga mùa giải hiện tại trong màu áo Werder Bremen với chỉ 25 phút tổng cộng có mặt trên sân, lại chính là cái tên tạo ra nhiều pha dứt điểm nhất của trận đấu (3 lần). Một lần trong số đó, anh ghi bàn quân bình cho Đức và ấn định tỷ số hòa 1-1 của trận đấu.

Còn với Sane, vốn được đề cao ở tốc độ và rê dắt từ thời còn chơi bóng ở Premier League, cầu thủ 26 tuổi giờ đây còn lên trình ở khả năng xoay xở và xử lý trong không gian hẹp, tạo tính kết nối và sáng tạo.

Sự khác biệt mà Sane mang đến từ phút thứ 70 trở đi là quá đậm nét. Về mặt lý thuyết, Sane vào sân để hoán đổi vị trí với Gnabry (Sane giữ cánh phải, Gnabry chuyển sang cánh trái), tạo tiền đề cho Musiala chơi ở trung lộ sau lưng Fullkrug. Nhưng trên thực tế, xu hướng hoạt động của Sane là cắt chéo từ cánh phải vào phía trong, tạo ra những miếng đánh vỗ mặt hàng thủ Tây Ban Nha, hệt như cái cách anh từng làm trước chính Barca ở lượt đi vòng bảng Champions League mùa này.

Cả hai đường chuyền mở ra cơ hội ngon ăn trong hiệp 2 của Sane đều đến theo một kịch bản tương đồng. Anh nhận bóng gần đường biên dọc cánh phải, di chuyển chéo vào trung lộ, rồi chọc khe chính diện vào giữa hàng thủ Tây Ban Nha để Musiala thoát xuống. Chính từ một pha bóng đó mà tuyển Đức ghi bàn.

Đặc biệt, bàn thắng của Niclas Fullkrug lại được khởi nguồn từ chính pha để mất bóng trong tình huống phối hợp của Tây Ban Nha ra hành lang cánh trái. Thời điểm bấy giờ, Laporte đã chủ động tăng tốc pha phối hợp, trong khi Pedri ở trong tư thế chưa sẵn sàng, Dani Olmo thì lại ở vị trí quá cao và Alejandro Balde cũng chưa kịp bứt tốc đủ đoạn. Tất cả đều rất khác so với mô hình phối hợp trong hiệp đấu đầu tiên của Tây Ban Nha, khi mọi vị trí đều đã sẵn sàng, các cầu thủ đều đứng đúng chỗ phải đứng.

Alvaro Morata và Niclas Fullkrug (hay trước đó là Richarlison) chứng minh rằng trong một dòng chảy bóng đá mà tất cả đều tưởng rằng những số 9 thuần rồi sẽ dần tàn phai, thì họ vẫn bung nở. Chỉ cần được đặt vào một hệ thống đúng đắn, năng lực cầu thủ sẽ được phát huy.

Vĩ thanh. So tài nhau qua đấu pháp, kiềm tỏa nhau bằng đặc thù trường phái bóng đá của mình, đối đáp ở cả các phương án thay người, cuộc so tài giữa Tây Ban Nha với Đức còn là sự va chạm tạo ra âm thanh “leng keng” của những Golden Boy cũ, hiện tại và tương lai.

Trong một khoảnh khắc hiếm hoi của trận đấu, đạo diễn hình đã bắt được cảnh Pedri cùng Gavi tranh cướp bóng với Jamal Musiala. Đó chính là tương lai của hai nền bóng đá.

Cả Pedri và Gavi đều tiếp tục có một trận đấu tròn trịa, đặc biệt là Pedri với khả năng làm chủ không gian bậc thầy và chuyền bóng thượng hạng. Bên kia chiến tuyến, Jamal Musiala càng chơi càng hay, trở thành hạt nhân chính mang đến sức sát thương cho các tình huống tấn công của tuyển Đức.

Với kỹ năng xử lý bóng cận chân điêu luyện trong vùng không gian hẹp, Musiala chơi ở đâu cũng được, từ tiền đạo cánh, tiền đạo lùi, hoặc tiền vệ công. Chỉ trong vòng 42 giây ở phút 72 và 73, Musiala mang đến cơ hội cho Niclas Fullkrug dứt điểm từ pha solo và căng ngang ở cánh phải, sau đó tự mình dứt điểm trước khung thành Unai Simon từ pha chạy chỗ ngay trung lộ.

Từ hình thù đến bản chất, cuộc đọ sức giữa Tây Ban Nha và Đức xứng danh trận cầu hay nhất mùa World Cup 2022 hiện thời. Nếu họ có duyên gặp lại cũng tại Qatar 2022 này, hãy lại tiếp tục cho khán giả cơ hội được ngất ngây!

Hoàng Thông

Rate this post